Một công bố mới của các nhà nghiên cứu Việt Nam, Anh và Úc đã nhấn mạnh vào khả năng bị ảnh hưởng của hệ sinh thái rừng tràm ở vùng đất ngập nước ở ĐBSCL trong biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào tìm hiểu vùng đất ngập nước U Minh, bao gồm U Minh Thượng và U Minh Hạ, giao giữa Cà Mau và Kiên Giang, nơi mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Họ áp dụng cách tiếp cận ba bước: 1) mô hình SDM để dự đoán sự thích hợp khí hậu với M. cajuputi, loài chiếm đa số trong các loài tràm trong các điều kiện khí hậu hiện nay và các kịch bản biến đổi khí hậu tương lai; 2) mô hình SLAMM để mô phỏng sự phân bố theo không gian của rừng trên vùng đất ngập nước trong các kịch bản nước biển dâng; 3) phân tích không gian để nhận diện những thay đổi tiềm năng và khu vực bảo tồn rừng tràm trong những kịch bản khí hậu khác nhau.
Các bản đồ vùng đất ngập nước năm 2020, mô hình độ cao số (DEM) và các tham số địa phương đã được đưa vào mô hình SLAMM để mô phỏng phân bố theo không gian trong hai kịch bản nước biển dâng.
Kết quả cho thấy, với các kịch bản hiện tại, rừng tràm trên vùng đất ngập nước chiếm 424,2 km2 nhưng với các kịch bản trong tương lai thì con số này lần lượt giảm xuống 375,7 đến 269,5 km2 theo các kịch bản biến đổi khí hậu nhưng theo kịch bản nước biển dâng thì diện tích suy giảm còn 186,9 đến 163,7 km2. Đặc biệt vùng đất ngập nước ở U Minh Hạ sẽ bị nước biển dâng ảnh hưởng nặng nề. Sự mất mát của môi trường sống phù hợp của loài tràm lần lượt là 29,8% (độ bền vững với biến đổi khí hậu) và 58,7% (sự ảnh hưởng của nước biển dâng) vào năm 2070 (so với năm 2020).
Kết quả được nêu trong bài báo “Coastal Melaleuca wetlands under future climate and sea-level rise scenarios in the Mekong Delta, Vietnam: vulnerability and conservation” trên tạp chí Regional Environmental Change.
Thanh Hương